Bột trét tường là gì? Thành phần chính của Bột trét tường?
Mastic (matít) là loại vật liệu màu trắng có dạng bột hoặc sệt, được bán rộng rãi trong các cửa hàng sơn nước. Chức năng chính của nó là làm phẳng mặt tường trước khi sơn lớp hoàn thiện để có mặt tường phẳng và đẹp.
Thành phần cơ bản của bộ trét tường bao gồm: Chất kết dính + Chất độn + Phụ gia
• Chất kết dính: Gồm 2 loại chất kết dính dạng khoáng (thường là Xi-măng hoặc Gypsum) và chất kết dính polymers.
• Chất độn: Được sử dụng để tăng cường một số hoạt tính, tăng độ vững chắc, khả năng thi công, chống chảy và tăng thể tích. Chất độn thường sử dụng là Carbonate calcium…
• Phụ gia: Là loại nguyên liệu chiếm 1 phần rất nhỏ trong thành phần nhưng đóng vai trò rất quan trọng: tạo cho sản phẩm một số tính chất cần thiết, giữ nước cho thời gian ninh kết, giúp thi công dễ dàng, tăng thời gian thi công, cải thiện tính đóng rắn và thời gian đóng rắn…
Phân loại bột trét tường
Do tác động của thời tiết và khí hậu của nội thất và ngoại thất khác nhau, vì thế cũng có 2 loại bột trét tường khác nhau:
• Bột trét tường ngoài trời chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ và độ ẩm với biên độ rất lớn. Nó còn chịu tác động của ánh nắng mặt trời (lớp sơn ngoài không đủ khả năng ngăn hoàn toàn tia cực tím). Ngoài ra nó cũng chịu tác động trực tiếp của ngoại lực (áp lực của giọt mưa) và nếu lớp sơn phủ không có khả năng chống thấm thì bột trét tường còn bị ngậm nước sau khi mưa.
• Ngược lại, bột trét tường trong nhà có nguy cơ chịu độ ẩm cao khi độ ẩm không khí cao.
Một số lỗi kỹ thuật cần lưu ý khi sử dụng loại vật liệu này
Lớp mastic bị bụi phấn:
– Nguyên nhân:
• Do bề mặt áp dụng bị quá khô, nước trong hỗn hợp nhão đã bị hút hết vào bề mặt, do đó quá trình ninh kết (chín) của hỗn hợp không xảy ra nên lớp mastic biến thành bụi phấn.
• Có thể khi pha trộn đã dùng lượng nước quá thấp cộng với việc trộn không đều cũng gây ra hiện tượng trên
• Cũng có thể khi pha trộn xong đã thi công ngay, không chờ cho hóa chất phát huy tác dụng
– Khắc phục:
• Buộc phải cạo bỏ hết lớp mastic này, làm sạch bụi bám bằng nước và chổi cỏ
• Chuẩn bị bề mặt thật kỹ, nếu bề mặt khô quá thì nên làm ẩm.
• Lượng nước pha trộn cần theo đúng tỷ lệ là nước 1 : bột 3 (trong khoảng 16 – 18 lít nước sạch cho 1 bao 40 kg)
• Trộn cho thật kỹ và chờ ít nhất là từ 7 đến 10 phút cho hóa chất phát huy tác dụng
• Sau đó quậy lại một lần nữa rồi mới bắt đầu thi công
Lớp mastic bị nứt chân chim:
– Nguyên nhân: Do lớp mastic này đã được trét quá dày, vượt quá độ dày cho phép là 3 mm
– Khắc phục :
• Cạo bỏ hết những chỗ nứt chân chim.
• Nếu bề mặt vùng đó mà lõm sâu quá, thì nên dùng hồ xi măng tô thêm cho tương đối phẳng
• Sau đó trét lớp mastic mới